LƯU Ý KHI NUÔI TÔM VỤ ĐÔNG
Các yếu tố cần lưu ý khi nuôi tôm vụ đông:
Tôm thẻ chân trắng là loài dễ nuôi, tỷ lệ sống cao và được nuôi rộng rãi hiện nay, song đây cũng là loài rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Đặc biệt là nuôi vụ cuối năm trong điều kiện thời tiết lạnh, mưa nhiều, độ mặn trong nước giảm làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn tôm.
Nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông rất khó, tuy nhiên nếu lựa chọn thời điểm hợp lý trong điều kiện hệ thống nuôi khác nhau, lợi nhuận mang lại khá cao. Nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về kinh tế, hiệu quả gấp 1,5 – 2 lần nuôi chính vụ và thị trường tiêu thụ thuận lợi
1. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến việc nuôi vụ cuối năm:
+ Độ pH: Trong ao nuôi tôm cần duy trì từ 7,5 – 8,5 và biến động ngày đêm không quá 0,5 đơn vị. Ở vùng đất bị nhiễm phèn nặng để đề phòng pH xuống thấp cần rải vôi nung (CaO) trên bờ ao và tiếp tục rải vôi sau một trận mưa.
+ Khi trời mưa to độ mặn của tầng nước mặt giảm nhanh, cần phải tháo nước tầng mặt để không gây ra biến thiên quá lớn. Ao lớn và độ sâu cao cũng sẽ giúp cho độ mặn ít biến động mỗi khi nắng nóng kéo dài hoặc mưa to.
+ Oxy hoà tan: oxy trong ao nuôi tôm không được thấp hơn 4mg/l; oxy thấp hơn 3mg/l tôm sẽ ngừng ăn và tấp vào mé bờ; nếu không xử lý kịp thời tôm có thể chết. Ngoài việc tăng cường quạt nước và sục khí, có thể dùng oxy già (H2O2).
+ Độ kiềm: Độ kiềm trong ao nuôi tôm luôn phải giữ ổn định có hàm lượng cao hơn 80mg -CaCO3/l. Trong quá trình nuôi tôm vụ đông, nhất là trong mùa mưa nên thường xuyên bón các loại vôi CaCO3 hoặc Dolomite CaMg(CO3)2.
+ Độ trong: Độ trong thể hiện thực vật phù du phát triển trong nước ao nuôi tôm, độ trong nên duy trì trong khoảng 25 – 40cm. Độ trong thực vật phù du cải thiện tốt cho tôm, bởi vì chúng hạn chế được các chất lơ lửng, làm tầm nhìn của tôm tốt hơn, giảm mối nguy cho tôm.
+ H2S (hydrogen sulfite): H2S rất độc đối với tôm, nồng độ trên 0,02mg/l ảnh hưởng đến tôm; nhưng H2S chỉ xuất hiện khi pH dưới 7. Vì vậy cần duy trì pH nước ao nuôi ở mức trung tính.
+ NH3 (ammoniac): NH3 rất độc đối với tôm, khi nồng độ 1mg/l có thể gây chết tôm, nồng độ trên 0,1mg/l ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm, do đó cần duy trì NH3 dưới 0,1mg/l bằng nhiều cách, nhưng có thể dùng một số chế phẩm vi sinh để hấp thụ chúng vào những tháng cuối chu kỳ nuôi để hấp thụ bớt NH3.
+ Đáy ao đen, nước đục nhiều chất lơ lửng: Cuối chu kỳ nuôi tôm vụ đông, đáy ao thường tích tụ nhiều chất hữu cơ và H2S, trong nước có nhiều chất lơ lửng do tảo chết; có thể dùng các chế phẩm vi sinh, Zeolite để hấp thu các chất lơ lửng và cặn bã trong ao.
+ Xuất hiện nấm đồng tiền, nấm chân chó trong ao nuôi ( Ao bạt bờ, bạt đáy,..): Thời điểm giao mùa, khi nhiệt độ xuống thấp , mưa nhiều, tảo tàn, ao tồn tại nhiều chất hữu cơ sư thừa,…đây chính là điều kiện thuận lợi để nấm đồng tiền phát triển. Không chỉ vậy, loài này còn bám đầy trên bạt, quạt nước, phao và các dụng cụ nuôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm nuôi khi chúng ăn phải. Do đó cần sử dụng các biện pháp cơ học hoặc sinh học, hóa chất để ức chế và ngăn ngừa sự xuất hiện của chúng.
2. Chọn giống tôm thẻ cho vụ đông
Chọn tôm giống cỡ post 12 – 15 khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Người nuôi nên lưu ý, vào vụ đông, có rất nhiều cơ sơ sản xuất vận chuyển tôm giống cỡ bé, có khi chỉ post 5 – 6, nếu nuôi sẽ làm kéo dài thời gian hơn.
Vì vậy, không chọn tôm post 5 – 10. Mật độ nuôi không vượt quá 80 – 120 con/m2. Có thể ương giống tôm thẻ chân trắng trước trong bể ương trong nhà để rút ngắn thời gian nuôi bên ngoài. Mật độ ương: 2.000 – 2.500 con/m2 sau thời gian ương 25 – 30 ngày khi tôm đạt cỡ 1g/con thì tiến hành chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm.
- Thả giống
Theo dõi diễn biến thời tiết để lựa chọn thời điểm thả phù hợp. Nên thả giống trước khi có không khí lạnh khoảng 4 – 6 tuần (lúc này thời tiết nắng ấm, tôm phát triển nhanh). Thả giống tránh vào thời điểm gió mùa, mưa kéo dài, cần cân bằng nhiệt độ nước trong túi chứa giống và môi trường nuôi trước khi thả (ngâm túi giống khoảng 15 – 20 phút trong nước ao nuôi).
3. Chăm sóc và quản lý
Quản lý cho ăn và theo dõi khả năng bắt mồi của tôm nuôi tránh cho ăn dư thừa. Khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần. Kiểm tra chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Kiểm tra sàng để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp với sự thay đổi của nhiệt độ và thời tiết cũng như tình trạng sức khỏe tôm.
Trong thời gian đầu tôm nhỏ (1 – 3 tuần) sử dụng chủ yếu sục khí. Sử dụng quạt nước từ tuần thứ 4 trở đi. Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường hàng ngày vào lúc 5 – 6 giờ sáng và 14 –15 giờ. Nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay.
4. Phòng trị bệnh khi nuôi tôm vụ đông
Thường xuyên quan sát, theo dõi và kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt trong thời tiết lạnh, ký sinh trùng, vi bào tử trùng-EHP là mầm bệnh đáng lo ngại nhất. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ đầu vụ nuôi để đảm bảo cho sức khỏe tôm nuôi là vô cùng cần thiết. Bà con nên bổ sung các chế phẩm sinh học vào chế độ ăn cho tôm, giúp đảm bảo cho sự tăng trưởng và sức khỏe tôm, hạn chế được thiệt hại và nâng cao năng suất vụ nuôi.
Đề xuất giải pháp từ Thái Nam Việt:
THÁI NAM VIỆT cung cấp các giải pháp chế phẩm sinh học, enzyme hàm lượng cao và hoạt lực mạnh để đáp ứng cho hoạt động nuôi tôm trong vụ đông vủa bà con. Bằng việc cạnh tranh với Vibrio có hại về dinh dưỡng và không gian sống, các chủng vi sinh vật của Thái Nam Việt mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong việc phân hủy các chất hữu cơ dư thừa, tạo môi trường sống an toàn, ổn định cho động vật nuôi.
Từ đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được các vấn đề mục tiêu và đảm bảo cho sự tăng trưởng và sức khỏe tôm, hạn chế được thiệt hại và nâng cao năng suất mùa vụ.